“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài 3): Vì sao mới chỉ đạt… một góc nhỏ?

VHO- “Lỗ hổng” của việc thiếu các công trình văn hóa, thể thao, nhà ở… tại nhiều KCN, KCX đã được nhận diện. Để tạo điều kiện nâng cao đời sống công nhân trong các KCN, KCX, tháng 5.2017, Chính phủ đã có quyết định 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài 3): Vì sao mới chỉ đạt… một góc nhỏ? - Anh 1

 Cả huyện Nhơn Trạch, nơi tập trung 6 KCN nhưng hạ tầng lưu trú, văn hóa gần như không có gì đáng kể

 Thế nhưng, có một điều đáng buồn là, sau nhiều năm triển khai, thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có bước tiến cụ thể nào.

Giẫm chân tại chỗ…

Theo đó, mục tiêu của Đề án trên là từ 2017 đến năm 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX; Từ năm 2018-2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn và đến năm 2030 phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Tiếp đó, tháng 11.2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định 1729/QĐ-TTg sửa đổi quyết định số 655 với mục tiêu cụ thể là giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp các địa phương chuẩn bị điều kiện về đất đai, quy hoạch để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX. Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2017- 2020 đầu tư thí điểm 1 thiết chế công đoàn. Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn và từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Để hoàn thành mục tiêu này, Đề án cho phép huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nguồn lực của tổ chức công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao tại các KCN, KCX.

Thế nhưng, sau gần 7 năm kể từ khi Đề án trên ra đời, tại rất nhiều KCN ở các tỉnh, thành vẫn trống các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân. Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, địa phương ước có khoảng hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của 31 KCN, nhưng hiện vẫn chưa có một thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện chỉ có Nhà sinh hoạt văn hóa thể thao và tổ chức sự kiện tại trụ sở Công đoàn KCN Biên Hòa, là điểm phục vụ một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người lao động dựa trên những cơ sở hạ tầng vốn có từ trước. Được biết, đến nay dự án xây dựng thiết chế Công đoàn tại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội có diện tích hơn 2,3 ha tại huyện Trảng Bom do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư với quy mô bao gồm nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân gắn liền với nhà văn hóa đa năng, quảng trường trung tâm, siêu thị, nhà thuốc, phòng khám bệnh, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống, văn hóa, xã hội của công nhân, hệ thống vườn hoa, cây xanh, sân thể thao đủ để phục vụ cho cộng đồng khoảng 1.350 người, hiện cũng chưa thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng.

“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài 3): Vì sao mới chỉ đạt… một góc nhỏ? - Anh 2

 Một góc nhà văn hóa thể thao - học tập cộng đồng kiêm trụ sở của một số hội trên địa bàn xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch

Cần có những nghiên cứu về nhu cầu văn hóa thể thao gắn với đời sống công nhân

Có mặt tại KCN Nhơn Trạch 1, 2, 3, 4, 5, 6 tọa lạc trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), chúng tôi nhận thấy chưa có thiết chế văn hóa thể thao nào được xây dựng. Ngay cả Trung tâm văn hóa huyện do Phòng VHTT huyện quản lý hiện cũng chỉ là quy mô rất nhỏ và cũng ít được đầu tư để có thể thu hút được sự quan tâm của người dân. Trong khi đó, nhiều mô hình văn hóa như phòng tập gym, yoga, sân bóng đá mini… do người dân tự đầu tư lại hoạt động khá hiệu quả.

Nói về nghịch lý trên, ông Dương Quốc Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch cho biết, hằng năm Liên đoàn lao động huyện phối hợp với các công đoàn cơ sở tổ chức một số hoạt động lớn như Tháng Công nhân, hoạt động chăm lo cho công nhân vui xuân, tổ chức đón Tết cho công nhân các KCN... Trong đó bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như bóng đá, bóng chuyền…, nhưng phần lớn mọi hoạt động đó gần như phải dựa vào thuê mượn cơ sở bên ngoài để tổ chức. Theo ông Bình, thực tế cơ chế hiện nay rất khó để có thể làm công trình văn hóa thể thao, tổ chức văn hóa cho công nhân một cách bài bản vì chúng ta đang thiếu những nghiên cứu về nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công nhân. Trong thời đại kỹ thuật số, nhu cầu về hưởng thụ văn hóa thường biến thiên rất nhanh. Năm nay có thể thấy nhu cầu về văn hóa, thể thao cần cái này nhưng sang năm chưa chắc nhu cầu đó sẽ tiếp tục duy trì.

Internet, mạng xã hội phát triển kéo theo không ít nhu cầu về văn hóa biến đổi theo. Các nền tảng như Youtube, Tik Tok cung cấp các hình thức giải trí được cung cấp sẵn, rẻ tiền hoặc miễn phí với nội dung hết sức sáng tạo cũng đã dẫn đến những thay đổi về nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Nếu như trước đây một số tụ điểm ca nhạc có ca sĩ về hát, tổ chức bán vé thu hút được người mua vé vào xem nhưng hiện nay mô hình đó đã trở nên lỗi thời vì chỉ cần một chiếc ĐTDĐ thông minh với giá chỉ một vài triệu đồng là người ta đã có thể thỏa mãn nhu cầu giải trí của họ. “Chúng ta có các nghiên cứu về chỉ số kinh tế như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát, chỉ số tổng mức hàng hóa bán lẻ, doanh thu dịch vụ… được nghiên cứu, thống kê hằng năm để làm nền tảng cho phát triển kinh tế. Còn riêng với văn hóa theo tôi được biết thì không có những nghiên cứu nào cung cấp các dữ liệu về văn hóa như nhu cầu về bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bida, nhà tập thể hình… theo hằng năm”, ông Bình nêu.

Cùng quan điểm với ông Bình, ông Vũ Văn Tân, Trưởng phòng VHTT huyện Nhơn Trạch cũng cho biết, ngoài những vướng mắc về mặt cơ chế như cơ chế giao đất, cơ chế đấu thầu thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhỏ lẻ, manh mún không gắn liền với nơi sinh sống, khu vực tập trung dân cư cũng là một rào cản để phát triển các cơ sở văn hóa thể thao đủ sức thu hút người dân. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch vốn có 12 xã, 1 thị trấn thì 9 xã có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Ba xã đang trong kế hoạch xây dựng nhà văn hóa là Phú Hội, Vĩnh Thanh và Phước Khánh. Với đặc điểm diện tích nhỏ, được xây dựng phần lớn ở những vị trí không mấy thuận lợi nên các nhà văn hóa gần như có chức năng như một hội trường nhỏ với khuôn viên có thể tổ chức được một vài sân cầu lông ngoài trời, một vài dụng cụ tập thể dục ngoài trời, còn ngoài ra không có chức năng nào khác.

Theo cách nhìn nhận của ông Tân, thay vì mỗi xã có một nhà văn hóa thì nên tập trung vài ba xã có một trung tâm với quy mô đủ lớn, được đầu tư hội trường, nhà thi đấu, sân khấu, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết… để dành riêng phục vụ cho một cộng đồng dân cư, cộng đồng công nhân khu công nghiệp. Như thế sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút sự quan tâm của người dân và công nhân. Muốn được như vậy thì phải đáp ứng được yêu cầu là chỗ chơi phải gần chỗ ở, nơi mua sắm… để thuận tiện cho cộng đồng cư dân, lượng công nhân tại đó. Để làm được điều này các địa phương cần thay đổi quan điểm, thay vì dành những khu đất ở vị trí khuất nẻo cho hoạt động văn hóa thể thao thì nên bố trí các công trình văn hóa thể thao ở những vị trí trung tâm, nơi tập trung dân cư, công nhân và người lao động để họ thuận tiện cho việc đi lại.

Bên cạnh đó cũng cần có những cơ chế “tháo rào” để giao đất, cho thuê đất công, tạo mọi điều kiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm đa dạng các nguồn thu, lấy kinh phí duy trì các hoạt động văn hóa một cách thường xuyên, liên tục.

SONG HÀ

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc